Cộng đồng AI Việt Nam¶
Tại Việt Nam cộng đồng AI còn khá non trẻ, mặc dù trên thế giới thì nhiều nhà khoa học của Việt Nam đã thành công trong lĩnh vực này từ trước đó. Nhưng dường như cộng đồng AI Việt Nam mới bắt đầu hình thành từ năm 2016 và nó gắn liền với làn sóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong giai đoạn này tại Việt Nam, thông qua truyền thông và báo chí thì vai trò của cách mạng công nghiệp 4.0 được nhấn mạnh đối với sự phát triển của quốc gia. AI được xem là công cụ để thay đổi cơ cấu lao động và nguồn nhân lực trong tương lai và là chìa khoá để Việt Nam vươn lên trong chuỗi cạnh tranh toàn cầu. Chính vì thế ý thức của người Việt về AI được nâng cao hơn. Từ thay đổi nhận thức đã dẫn tới hành động. AI trở thành một ngành khoa học rất hot vào thời điểm này. Bằng chứng là số trường đại học đào tạo các chuyên ngành về khoa học máy tính và khoa học dữ liệu ngày càng gia tăng. Điểm đầu vào đại học của những ngành này cao chót vót. Phong trào học AI thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên và vào thời điểm đó dẫn tới những cộng đồng về AI bắt đầu được hình thành. Nổi bật nhất đó là forum machine learning cơ bản của tác giả Tiệp Vũ. Sau đó tác giả cũng cho xuất bản cuốn machine learning cơ bản là cuốn sách gối đầu của nhiều người học AI Việt Nam. Kể từ sau sự thành công của machine learning cơ bản thì xuất hiện ngày càng nhiều hơn những blog về AI của các tác giả khác như:
Nhóm tác giả viblo.asia
Blog của bạn Nguyễn Thanh Tuấn
Blog của anh Nguyễn Chiến Thắng
Tài liệu về AI khi đó tại Việt Nam khá thiếu thốn về số lượng và chất lượng. Nhờ sự đóng góp nhóm anh Tiệp Vũ mà cộng đồng AI Việt đã có thêm nhiều bản ebooks chất lượng như:
Tuy nhiên phong trào học tập AI trong nước tại Việt Nam còn khá đại trà và theo hướng ứng dụng. Do đó về lâu dài Việt Nam không thể tạo ra lợi thế so sánh với thế giới bởi thiếu đi đội ngũ khoa học uyên thâm để tự phát triển ra những sản phẩm AI mang tính cạnh tranh.
Từ năm 2018 bắt đầu hình thành những viện nghiên cứu lớn về AI tại Việt Nam như viện nghiên cứu VinAI (nơi tác giả đang làm việc), Vinbigdata, VinBrain. Doanh nghiệp tư nhân bắt đầu hưởng ứng với nhà khoa học. Tiên phong là tập đoàn Vingroup đã đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và tài trợ nghiên cứu nhằm giải quyết những bài toán lớn của người Việt. Những viện nghiên cứu này đã qui tụ được rất nhiều các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh Vingroup, nhiều tập đoàn khác cũng thúc đẩy ứng dụng và nghiên cứu AI như FPT, Viettel, Zalo.
VinAI là viện nghiên cứu đầu tiên đưa Việt Nam lên bản đồ AI thế giới với những công trình được công bố tại những hội nghị học máy hàng đầu như NEURIPS, ICML, CVPR,… Từ đó những nhà nghiên cứu trên thế giới đã biết đến nhiều hơn về các công trình nghiên cứu AI từ các nhà khoa học của Việt Nam. VinAI cũng tổ chức các buổi hội thảo về AI với sự góp mặt của những tên tuổi lớn trong ngành AI.
Những chiến lược tận dụng được sức mạnh trí tuệ của người Việt trong giai đoạn gần đây sẽ hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho nền khoa học và công nghệ Việt Nam.